Thời Lý Tháp chùa Việt Nam

Tượng vũ công đầu người mình chim Kinnara khai quật tại chùa Phật Tích

Phật giáo phát triển cực thịnh dưới thời Lý đã cho ra đời nhiều Trung tâm Phật giáo lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng là triều đại đặt nền móng cho sự độc lập về văn hóa của Việt Nam nên xuất hiện vô vàn hình mẫu nghệ thuật và kiến trúc đặc trưng của dân tộc và thời đại với sự giao thoa văn hóa Chăm Pa, dù chịu ảnh hưởng rõ rệt của triết lý và tôn giáo Trung Hoa. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa phương Bắc được lồng vào mô hình kiến trúc chùa núi phương Nam là hình thức đặc trưng cho kiến trúc Phật giáo thời Lý. Trong đó kiến trúc tháp đá cao tầng phối hợp hữu cơ với quy mô nhà. Mặt bằng chùa thường có dạng hình vuông nhiều tầng, đi lên từ bốn phía vào ban thờ Phật ở trung tâm. Kiến trúc tháp thời Lý không chỉ đơn thuần là kiến trúc Phật giáo mà nó gắn liền với vương triều và quyền lực. Các nhà chùa và thiên sư thời Lý đều có vai trò quan trọng trong cả nền chính trị và kinh tế, nhiều chùa được vua và hoàng tộc cấp tiền xây dựng nên đã dựng nên những tòa tháp đồ sộ, cao lớn, như Tháp Đại Thắng Tư Thiên được xếp vào hàng An Nam tứ đại khí.[17]

Kiến trúc chùa và tháp thời Lý đến nay không còn tồn tại bất kì công trình nào[18] nhưng phế tích và vết tích của một số tháp còn lại có thể kể đến như sau:

Tháp chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích xây năm 1057 gắn liền với truyền thuyết tháp chùa cao chọc trời, khi đổ vỡ đá rơi khắp làng và hiện ra pho tượng Phât uy nghi. Tấm bia Vạn Phúc Đại Thiền tự bi (bị gãy đôi) khắc năm Chính Hòa thứ 7 (1686) cho biết:

Vua thứ ba nhà Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) cất lên cây tháp quý cao ngàn trượng, lại dựng pho tượng mình vàng cao 6 thước, cấp hơn trăm thước ruộng, xây chùa chẵn một trăm tòa.

Năm 1937 - 1940, học giả Pháp L.T. Bezacier khảo sát chùa, đo cạnh đáy tháp là 8,5m, theo tỉ lệ truyền thống cạnh đáy bằng 1/5 chiều cao, ông cho rằng tháp chùa phải cao đến 42m. Phía sau trên nền chùa cao nhất là rừng tháp lớn nhỏ gồm 39 ngọn chất cát xá lị các cao tăng từ thời Hậu Lê.[19]

Tháp Tường Long

Tháp Tường Long được xây dựng vào giai đoạn thịnh vượng của phật giáo thời Lý (năm 1058); tức là chỉ xây dựng sau tháp Báo Thiên ở Thăng Long, tháp Phật Tích ở Bắc Ninh một năm và cũng theo lệnh của vua Lý Thánh Tông. Tháp Tường Long và chùa Vân Bản tọa lạc trên ngọn núi đầu tiên, một trong 10 đỉnh cao liền nhau của dãy Núi Rồng, có độ cao 91,7m so với mặt nước biển ở Đồ Sơn, Hải Phòng[20].

Tháp vẫn còn tồn tại đến những năm đầu thời Nguyễn mới bị phá. Đại Nam nhất thống chí chép:

Tháp cũ Đồ Sơn: ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương cao trăm thước, dựng từ đời Long Thụy Thái Bình triều Lý. Năm Gia Long thứ ba, phá tháp lấy gạch đá xây thành trấn Hải Dương
— Đại Nam nhất thống chí, Quyển XVII. Tỉnh Hải Dương[21]

Năm 1978, Phó giáo sư Tiến sĩ Trịnh Cao Tưởng đứng đầu nhóm các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật phế tích tháp Tường Long.[22] Kết quả đã tìm thấy:

  • Sân tháp: Mặt bằng hình vuông 4m x 4m
  • Móng tháp: ba tầng hình vuông, tầng dưới cùng cạnh 7,86m; tầng thứ hai 7,36m; tầng trên cùng 6,92m.
  • Gạch: Có gạch xây lòng tháp và gạch trang trí ngoài mặt tháp. Hầu hết gạch hình chữ nhật, kích thước 40 x 28 x 5 cm, in nổi hai hàng chữ Hán: Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo (gạch làm vào triều vua Lý thứ ba (Lý Thánh Tông), niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ tư - 1057).
  • Di vật khác: Hai chiếc cối cửa bằng đá chứng tỏ tháp chỉ có một cửa và quay về hướng Nam. Ngoài ra tìm được một phần pho tượng đá có cùng phong cách với tượng A-di-đà chùa Phật Tích.

Chùa Tường Long được xây vào tháng 9 năm 1990 trên nền tháp cũ. Tháp Tường Long đã được phỏng dựng sau 30 năm khảo sát, nghiên cứu (1978 - 2008) và hơn 9 năm xây dựng (2008 - 2017)[23]. Tháp mới có 9 tầng cao 37,14 mét[24]. Chùa Vân Bản đến nay vẫn chưa được phục dựng, chỉ còn quả chuông lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia đã được công nhận là bảo vật quốc gia số 13, đợt 2 năm 2013.

Tháp Chương Sơn

Gạch trang trí hình rồng thời Lý và hoa cúc dây, khai quật tại phế tích tháp Chương Sơn

Tháp Chương Sơn (tên chữ "Vạn Phong Thành Thiện") ở Ý Yên, Nam Định là công trình tháp kì vĩ được nhắc đến rất nhiều lần trong các thư tịch cổ như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Việt sử thông giám cương mục… Tháp được khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành sau chín năm vào năm 1117. Ngày nay công trình chỉ còn dấu vết nền móng trên đỉnh núi, nhưng nhiều báu vật thời Lý đã được tìm thấy sau đợt khai quật năm 1966 - 1967 của Viện Khảo cổ học. Với diện tích khai quật 900 m2, các nhà khoa học đã tìm ra chân móng tháp cổ cùng hơn 200 di vật đá và 50 viên gạch đất nung. Vết tích còn lại là chân tháp hình vuông hiện còn mỗi bề rộng 19 m. Đá xây tháp được liên kết với nhau bằng cá chì (đục lỗ mộng, đổ chì nấu lỏng vào) hoặc khoan lỗ rồi dùng dây đồng xâu lại thắt chặt. Phần lớn các bộ phận kiến trúc bằng đá như đố dọc, mí cửa, bệ cửa cuốn, thành bậc, chân cột... đều được phủ kín bằng trang trí thời Lý: rồng, phượng, khỉ, tượng đầu người mình chim.... Ngoài ra còn tìm thấy những viên gạch lớn ghi chữ Hán Lý gia đệ tứ đế Long Phù Nguyên Hóa ngũ niên tạo (chế tạo vào đời vua thứ tư nhà Lý (Lý Nhân Tông), niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá năm thứ năm - 1105) [25].

Tháp đã bị quân Minh phá hủy hoàn toàn, trong chiến dịch xóa bỏ văn hóa Lý - Trần thời thuộc Minh, chỉ còn lại móng đá. Phía đông núi Chương Sơn có chùa Nề, văn bia tạc năm Cảnh trị thứ 8 (1670) có đoạn: “Đến quân Ngô sang xâm lược nước ta, chúng sinh lòng gian ác phá hỏng các tượng phật bằng đá, chỉ còn tượng trên bệ đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi. Tháp Chương Sơn đã bị phá huỷ tan tành”.[25] Hai trong số các hiện vật nằm trong tháp Chương Sơn đã được công nhận là bảo vật quốc gia:

  • Tượng Phật A Di Đà (hiện lưu giữ tại chùa Ngô Xá) (bảo vật quốc gia số 16, đợt 2)
  • Lan can thành bậc (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định) (bảo vật quốc gia số 10, đợt 3)

Tháp chùa Long Đọi

Gạch trang trí hình vũ nữ trên tháp chùa Long ĐọiTượng Bát Bộ Kim Cương vốn đặt trước tháp chùa Long Đọi (phiên bản tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Tháp chùa Long Đọi (tên chữ: "Sùng Thiện Diên Linh") từng được ghi lại trong nhiều sách sử là tòa tháp cao dựng trên núi Đọi (Duy Tiên, Hà Nam). Tháp Sùng thiện diên linh bắt đầu xây dựng vào mùa hạ năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), hoàn thành vào mùa thu năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121). Qui mô, diện mạo tháp Sùng thiện diên linh được ghi lại trên tấm bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng thiện diên linh tháp bi. Đây là một trong rất ít bia đá thời Lý còn lại đến ngày nay, lại có kích thước lớn, đã được công nhận là bảo vật quốc gia số 9, đợt 2 năm 2013. Đoạn văn ghi về bảo tháp Sùng thiện diên linh khắc ở mặt trước tấm bia[26]:

Tháp xây mười ba tầng chọc trời, mở bốn mươi cửa hóng gió. Vách chạm rồng ổ, góc treo lềnh đồng (kim linh). Tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ, để luôn toả tường quang cho đời thịnh. Tầng dưới có tám pho tượng khôi ngô, đứng hộ vệ là người thần cầm kiếm. Lại trong đó đặt tượng Đa Bảo Như Lai, dáng như nguyện dâng trọn cả đời, vẻ tựa suy tư sâu lắng, cùng Ca Văn (tức là Thích Ca Văn) một bên trong toà báu, nghe kệ sen mà tất phó oai thiêng.

Cấp thứ hai, bên tả, dựng vòm tứ giác, có hai con rồng chầu cửa để coi việc đi lại. Phía sau đặt tám pho tượng chầu trời. Nêu cao khí khái cho danh sơn, truyền rộng thánh công lao cho hậu thế. Bên hữu, dựng nhà tháp chóp vuông, trong đặt Tân Đầu hoà thượng, tượng tựa như nhìn về núi Ma...(mất chữ) chi sơn, để nhận lời dặn của Như Lai, vì chúng sinh mà chứng phúc.

Cấp dưới cùng, phía trước xây gác Lăng Hán, trong treo chuông đồng, buộc chày kình Bích Hải... Ngoài xây tường bảo vệ, trong dựng hiên phô trương. Lại bắc cầu mở rộng đường thôn, trồng tùng theo hàng thành hai dẫy. Hết lòng thành để tôn sùng diệu quả, mong cho vận số dài lâu; hết kiểu lạ để xây lầu cao, cầu tuổi vua thọ mãi. Cho nên nhà vua đặt tên tháp là Bảo tháp Sùng thiện diên linh

Năm 2001, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam tiến hành nghiên cứu và khai quật tại khu vực phế tích tháp Sùng Thiện Diên Linh, qua đó xác định được vị trí của cây Bảo tháp cùng các loại vật liệu và trang trí kiến trúc.[27]

  • Nền sử dụng gạch vuông màu đỏ t­ươi, xếp khít không có chất kết dính. Nền Bảo tháp ăn sâu vào khu vực Toà Tam Bảo hiện tại, nên chư­a xác định đư­ợc kích thước cụ thể (khoảng 20m), với diện phân bố hàng trăm mét vuông.
  • Móng tìm thấy hai đoạn, nằm nối tiếp với nền, đư­ợc giới hạn bởi các thanh sa thạch vốn là các bộ phận của tháp rơi xuống khi tháp bị giặc Minh phá huỷ. Móng rộng 1,95m, dài còn lại gần 5m, đ­ược cấu tạo với nhiều hàng gạch hình chữ nhật và gạch thỏi màu đỏ tư­ơi, xếp khít không có chất kết dính.
  • S­ưu tập hiện vật có số l­ượng lớn với hàng ngàn tiêu bản là các loại vật liệu xây tháp bằng sa thạch (chỉ có vài tiêu bản làm từ đá vôi) và đất nung gồm: đấu kê trụ, mi cửa, tượng chim thần Kinnari, tượng rồng, phượng, uyên ương.

Chùa Long Đọi hiện vẫn còn 6 pho tượng trong Bát bộ Kim Cương tương đối nguyên vẹn, cao chừng 1,6m, thân thẳng đứng, ít động thái, hoa văn trang trí sâu và biến đổi theo cấu trúc giáp trụ, phần lưng gắn chặt với thành tường tháp Sùng Thiện Diên Linh. Ngoài ra chùa còn v­ườn tháp­ với 37 tháp mộ, nhiều kích th­ước khác nhau đ­ược xây dựng trong suốt quá trình tồn tại của chùa.[27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tháp chùa Việt Nam http://www.tuvienquangduc.com.au/vanhoa/36kientruc... http://www.nhasachkimdung.com/vn/cuu-pham-lien-hoa... http://chimviet.free.fr/lichsu/nguyenhuechi/nhcs05... http://www.baolaocai.vn/du-lich/khanh-thanh-dai-tu... http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/3966/ve-d... http://baotanglichsuquocgia.vn/vi/Articles/3101/15... http://tnti.vnu.edu.vn/thien-tinh-mat-dung-thong-q... http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/S... http://dsvh.gov.vn/thap-gom-men-chua-tro-3093 http://honguyenvietnam.vn/book/dai-nam-thuc-luc-id...